Cảng Trần Đề giúp giảm chi phí vận tải hàng hóa lên các cảng biển Đông Nam Bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

 

Ngày 6/1, ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng và ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã tham dự cuộc họp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng bến cảng Trần Đề thuộc địa phương này.

Tổng mức đầu tư cảng Trần Đề có thể lên đến 186.365 tỷ đồng- Ảnh 1.

Phác thảo quy hoạch cảng Trần Đề.

Để tháo gỡ nút thắt trong hoạt động vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu mà trọng tâm là giảm chi phí logistics của các tỉnh thuộc vùng ĐBSCL, trong đó vùng hấp dẫn trực tiếp là 8 địa phương gồm: Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, thành phố Cần Thơ, tỉnh An Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau, việc đầu tư cảng Trần Đề là hết sức cần thiết.

Từ sự cần thiết của dự án, đơn vị tư vấn - Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình hàng hải chi nhánh TP.HCM đưa ra phương án tổng diện tích quy hoạch 1.082ha đến năm 2028 và năm 2050 là 4.435ha. Trong đó, bến cảng ngoài khơi vào năm 2028 là 81,6ha và nâng lên 435ha vào năm 2050.

Đối với khu dịch vụ hậu cần và logistics, đơn vị tư vấn đưa ra diện tích 1.000ha vào năm 2028 và năm 2050 là 4.000ha. Ngoài cầu cảng gồm bến ngoài khơi và bến tiếp chuyển trong bờ, dự án còn có kè chắn sóng và cầu vượt biển dài gần 18km.

Sau khi hình thành cảng đầu mối vùng ĐBSCL tại khu vực ngoài khơi cửa biển Trần Đề, theo cự ly và chi phí vận tải, vùng hấp dẫn trực tiếp bến cảng này là 8 tỉnh, thành: Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

Với quy mô đặc biệt lớn của cảng Trần Đề, báo cáo tiền khả thi đưa ra tổng mức đầu tư sơ bộ đến giai đoạn hoàn thành là 153.896 tỷ đồng nếu cát được khai thác tại mỏ.

Nhưng nếu đầu tư theo giá cát thị trường thì tổng mức đầu tư của cảng Trần Đề có thể lên đến 186.365 tỷ đồng.

Về nguồn vốn giải phóng mặt bằng cho cảng Trần Đề, ông Ngô Thái Chân, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Sóc Trăng khẳng định đủ điều kiện.

Theo ông Chân, diện tích rừng phòng hộ và đất lấn biển chiếm diện tích lớn và diện tích này không mất tiền bồi thường.

Đối với nguồn vốn giải phóng mặt bằng đất ở nông thôn và các loại đất còn lại (98ha đất nuôi trồng thủy sản và gần 30ha đất ở nông thôn…), ông Chân nói rằng sẽ sử dụng từ 2.000 tỷ đồng trong khai thác cát biển trong tương lai.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/09/2021, cảng biển Sóc Trăng được phân loại là cảng biển loại III, thuộc nhóm cảng biển số 5, quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt khi hình thành cảng cửa ngõ vùng ĐBSCL tại Trần Đề.

Ngày 24/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 886/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, xác định một trong những nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải là kêu gọi đầu tư khu bến cảng Trần Đề, giai đoạn khởi động với nhu cầu vốn lên đến 50.000 tỷ đồng.

Nguồn: Tổng mức đầu tư cảng Trần Đề có thể lên đến 186.365 tỷ đồng (baogiaothong.vn)

 

Các tin khác
PHONE
SMS
MAP
Zalo