Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Chính phủ định hướng phát triển cảng biển loại I, gồm khu bến Chân Mây đáp ứng tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải từ 150.000 - 200.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện, tàu container sức chở đến 4.000 Teu hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện; tàu khách quốc tế đến 225.000 GT, tàu hàng lỏng/khí trọng tải đến 150.000 tấn (hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện và phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực và Quy hoạch năng lượng và các quy hoạch khác có liên quan).
Cùng đó, phát triển các bến cảng phù hợp với nhu cầu thị trường, khả năng huy động vốn của nhà đầu tư, bảo đảm sự đồng bộ về kết cấu hạ tầng phụ trợ (đặc biệt là luồng hàng hải, đê chắn sóng, ngăn cát).
Ngoài ra còn có khu bến Thuận An (đáp ứng tàu trọng tải đến 5.000 tấn) và khu bến Phong Điền (đáp ứng tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 50.000 tấn; tàu hàng lỏng/khí trọng tải đến 150.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện), xây dựng đê chắn sóng và các khu neo đậu chuyền tải, tránh, trú bão.
Thừa Thiên Huế cũng định hướng phát triển các khu neo đậu chuyển tải, tránh, trú bão như khu neo đậu tàu kết hợp chuyển tải, tránh bão tại Chân Mây và ngoài cửa Thuận An, Phong Điền; khu neo đậu trú bão tại Thuận An cho tàu đến 3.000 tấn và các khu vực khác đủ điều kiện.
Để hỗ trợ cho cảng biển, địa phương cũng quy hoạch phát triển cảng cạn gồm cụm cảng Chân Mây với diện tích quy hoạch dự kiến đến năm 2030 khoảng 15 - 20ha. Theo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn, cụm cảng cạn Chân Mây nằm trên khu vực kinh tế Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam.
Trong đó, cảng cạn Chân Mây kết nối với quốc lộ 1A và cao tốc Bắc – Nam phía Đông, có năng lực thông qua đến năm 2030 đạt 50.000 Teu/năm và diện tích quy hoạch đạt từ 10 – 15ha. Cảng cạn Phú Lộc có năng lực thông qua đạt 100.000 - 150.000 Teu/năm. Các cảng cạn kết nối với cảng biển Đà Nẵng, Hòn La, Chân Mây.
Quy hoạch lưu ý quy mô, diện tích đất sử dụng, tổng mức đầu tư của các dự án sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong từng giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ.
Theo Quyết định số 804/2022 của Thủ tướng Chính phủ công bố danh mục 34 cảng biển Việt Nam, cảng biển Thừa Thiên Huế được xếp cảng biển loại II.
Việc phân loại các cảng biển tại Việt Nam dựa trên những tiêu chí về phạm vi ảnh hưởng của cảng biển và tiêu chí về quy mô của cảng biển.
Trong đó, tiêu chí về phạm vi ảnh hưởng của cảng biển được đánh giá trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, qua các chỉ tiêu: Cảng biển phục vụ cho việc phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, hoặc liên vùng và có chức năng trung chuyển quốc tế, hoặc cảng cửa ngõ quốc tế; cảng biển phục vụ cho việc phát triển kinh tế-xã hội của cả nước hoặc liên vùng; cảng biển phục vụ cho việc phát triển kinh tế-xã hội của vùng; cảng biển phục vụ cho việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Tiêu chí về quy mô của cảng biển được đánh giá trên cơ sở sản lượng hàng hóa thông qua và cỡ trọng tải tàu được tiếp nhận tại cảng biển, thông qua các chỉ tiêu sau: Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển; cỡ trọng tải tàu tiếp nhận tại cảng biển.